Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

Mua vật tư xây dựng: ham rẻ, coi chừng... hớ

Trong số báo Tuổi trẻ ra ngày Thứ Bảy ngày 25/04/2009 có bài viết phản ánh tình trạng gian lận khi bán vật liệu xây dựng. Bài viết mới chỉ phản ánh một phần nhỏ thôi và có đôi chỗ không chính xác. Xin giới thiệu để quí vị tham khảo.


Mua vật tư xây dựng: Ham rẻ, coi chừng... hớ

TT - Xây dựng vào mùa cao điểm thì tình trạng cân thiếu, rút ruột, đổi hàng thiết bị vật tư cũng được mùa “ăn theo”, dù thực trạng này đã nhiều lần được cảnh báo. Các loại vật liệu bị rút ruột, ăn gian... đang phổ biến là sắt, ximăng, cát, gạch...

Thủ đoạn rút ruột bao ximăng

Tái diễn nạn “đạp” cân

Ông T., một nhà thầu xây dựng (đường Nguyễn Văn Nghi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) vẫn chưa hết bức xúc khi nhắc lại trường hợp bị một đại lý vật liệu xây dựng (VLXD) trên đường Dương Quảng Hàm (Gò Vấp) “đạp” cân thiếu đến hơn 70kg thép phi 6 khi ông đến mua khoảng 200kg hồi tuần rồi. Theo ông T., khi đại lý đến giao thép, ông đề nghị cân ngay tại chỗ nhưng nhân viên theo xe nhất định đòi vào nhà “để cân cho an toàn (!)”. Sau đó, dù ông đứng cạnh kiểm tra, nhưng khi tự mình cân lại đã phát hiện thấy thiếu đến hơn 70kg!

Trong khi đó bà M.N., gia chủ tự lo nguồn vật tư cho nhà xây trên đường Lê Lai (Gò Vấp), lại là nạn nhân của ximăng bị rút ruột và ăn gian gạch. Theo hợp đồng với chủ vựa VLXD trên cùng tuyến đường, bà được giao đợt một 50 bao ximăng và hai thiên gạch bốn lỗ (tương đương 2.000 viên). So với mặt bằng giá chung trên thị trường khu vực này, bà được chào giá rẻ hơn khoảng 2.000 đồng/bao ximăng, chừng 100 đồng/viên gạch.

Theo lời bà N., lúc giao hàng bà có đứng kiểm tra, “nhưng chẳng được bao lâu thì có việc nên phải đi”. Đến khi thợ thầy lôi ximăng, gạch ra xây thì mới phát hiện “bao ximăng có ruột lỏng bỏng”, khi cân lại mỗi bao chỉ còn 45kg thay vì phải là 50kg +/-1 như đã ghi trên bao bì. Riêng năm cây gạch kiểm tra thấy mất tổng cộng 200 viên, tức mất gần 140.000 đồng!

Một cách xếp gạch ăn gian - Ảnh: T.V.N.

“Rút nhiêu tùy thích!”

Anh B., một nhân viên bán VLXD, vốn từng phục vụ cho một điểm bán VLXD chuyên ăn bớt trọng lượng trên địa bàn Gò Vấp nay đã “gác kiếm”, đã khẳng định như vậy khi được hỏi về trọng lượng rút bớt của từng bao ximăng hoặc từng thiên gạch được giao cho đối tác. Do cấu tạo của bao ximăng có một “lưỡi gà” - miếng chắn trên miệng bao, sẽ được tự động bịt kín khi nhà sản xuất bơm đầy ximăng vào - không thể may kín được. Từ đây mới có chỗ hở, tuy nhỏ nhưng vẫn đủ để lấy ximăng ra dễ dàng bằng các ống nhựa. Với giá ximăng bán lẻ từ 2.000-2.500 đồng/kg, chỉ cần nơi bán rút 3-4kg/bao thì sẽ có gần 10.000 đồng.

Còn để “ăn” gạch, anh B. cho biết tùy theo độ tinh mắt của gia chủ, một cây gạch thay vì sẽ được xếp thành 15 lớp (32 viên/lớp) + 5 viên gạch lẻ, thì nhân viên giao hàng sẽ “phù phép” xếp mỗi lớp sao chỉ còn 28 viên/lớp, dân trong nghề thường gọi là “ăn nửa tay gạch!”. Đặc biệt, dân giao hàng rất thích chọn khoảng thời gian thi công đông đúc, “hiện trường” bề bộn để giao gạch vì “càng lộn xộn, chật chội càng qua mặt dễ dàng!”.

Bà Hoàng Anh, chủ cửa hàng VLXD Hoàng Anh (Lý Thường Kiệt, Gò Vấp), cho rằng để khỏi bị mua VLXD thiếu số lượng và trọng lượng, người tiêu dùng cần lưu ý với những cửa hàng có mức giá bán quá thấp hoặc kiểu chào mời “giá nào cũng bán”. Khi nhận hàng, cần cắt cử người kiểm tra cẩn thận, diện tích dành để vật tư không lẫn lộn với hàng có sẵn để tránh nhầm lẫn. Khi mua thép, nếu nơi bán sử dụng cân bàn thì nên đứng thử lên để kiểm tra độ chính xác của cân, sau đó mới đồng ý để thép lên cân. Nếu người bán sử dụng cân đồng hồ khi giao hàng tại nơi xây, nên lấy bao ximăng làm “trọng tài” để kiểm tra cân.

TRẦN VŨ NGHI

Theo ông Bùi Hoàng Triệu - giám đốc Công ty TNHH xây dựng Minh Khoa (Tân Bình), phần lớn những cửa hàng VLXD mua bán gian dối thường chọn ở những quận vùng ven hoặc vùng có ít điểm bán để thực hiện. Hầu hết đối tượng này đều đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng. Ví dụ, ximăng Hà Tiên 1 giá trung bình 68.000 đồng/bao nhưng có nơi chỉ bán 65.000 đồng/bao, thép bán đúng phải là 11,1 triệu đồng/tấn nhưng chỉ rao bán 10,8 triệu đồng/tấn, cát đẹp 240.000 đồng/xe có nơi chỉ còn 180.000 đồng/xe.

---------------------------------------------------------------------------------------

Trao đổi thêm:

1. Vấn đề "lát" gạch và xi măng: Khi chất hàng, có thể người giao hàng chất hở ở trong để ăn gian. Riêng đối với gạch, nếu chất một cây gạch 500 viên thì thường được chất như sau 15 (lớp) x 32 (viên/lớp) + 20 (viên). Tuy nhiên, khi chất gạch, có thể chất hở phía trong (dễ bị phát hiện) hoặc mỗi tay chỉ 7 viên, tức mỗi lớp chỉ 28 viên, người mua hàng khó phát hiện ra hơn vì không bị hổng ở trong. Tình trạng "rút ruột" xi măng trước đây xảy ra nhiều nhưng nay có lẽ rất ít xảy ra hơn.

2. Chúng tôi đã đề cập khá kỹ về hiện tượng "bán rẻ" thép trong bài chia sẻ kinh nghiệm. Quả thật, rất khó cho chủ nhà khi dành dụm cả đời mới làm một căn nhà vì họ không thể có kinh nghiệm để đối phó với nạn gian lận. Chọn đối tác tin cậy là việc không hề dễ dàng giữa "ma trận" các cửa hàng VLXD mà ai cũng nói rằng mình "uy tín".

3. Nhiều trường hợp, nhà thầu và nhà cung cấp bắt tay với nhau, chủ nhà tin nhà thầu, khi đó nhà thầu và nhà cung cấp tha hồ làm mưa làm gió. Chủ nhà dù không hài lòng nhưng lại ngại làm mất lòng nhà thầu nên không dám có ý kiến. Chúng tôi từng gặp tình huống chủ nhà muốn thay đổi chủng loại và thay đổi nhà cung cấp nhưng nhà thầu không đồng ý và chủ nhà đành "im lặng cho qua".

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2009

Bảng giá thép công bố ngày 11/02/2009

Ngày 11/02/2009, cả 3 Công ty thép đều công bố giảm giá. Mức giá công bố áp dụng từ ngày 11/02/2009 như sau:

Thép Miền Nam:
Thép cuộn 6: 10.950
Thép cuộn 8: 10.850
Thép cây vằn D10 SD295: 11.190
Thép cây vằn D12-D36 SD295: 11.040
Thép cây vằn D10 SD390: 11.290
Thép cây vằn D12-D36 SD390: 11.190

Thép Vina Kyoei:
Thép cuộn 6: 11.120
Thép cuộn 6,4: 11.020
Thép cuộn 8: 10.980
Thép cây vằn D10 SD295: 11.240
Thép cây vằn D12-D32 SD295: 11.090
Thép cây vằn D10 SD390: 11.340
Thép cây vằn D12-D32 SD390: 11.190

Thép Pomina:
Thép cuộn 6: 10.950
Thép cuộn 8: 10.850
Thép cây vằn D10 SD390: 11.220
Thép cây vằn D12-D32 SD390: 11.070

Giá chưa bao gồm thuế GTGT 5%

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2009

Kinh nghiệm mua vật liệu xây dựng

2. Một số vấn đề khi mua gạch tuynel

Gạch tuynel rất đa dạng và ngày càng có nhiều nhãn hiệu mới xuất hiện trên thị trường, chất lượng và giá cả do đó cũng rất khác nhau.


Chúng tôi từng gặp tình huống, chủ nhà muốn xây căn nhà của mình bằng những chất liệu tốt nhất. Riêng với gạch, họ chọn gạch tuynel Đồng Nai và ký hợp đồng với nhà thầu là sử dụng gạch Đồng Nai, với yêu cầu trên viên gạch phải có chữ Đồng Nai. Thế nhưng gạch tuynel Đồng Nai là một cái tên mơ hồ vì trên thị trường không chỉ có 1 loại sản phẩm gạch có chữ Đồng Nai trên viên gạch nhưng chất lượng thì rất khác nhau, chẳng hạn như gạch Long Thành Đồng Nai (của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và vật liệu Đồng Nai), gạch Hợp Nhật Thành… trong khi chủ nhà muốn sản phẩm gạch Đồng Nai Phan Thanh Giản do các nhà máy của Công ty CP gạch ngói Đồng Nai sản xuất. Vì lí do trong hợp đồng không ghi rõ ràng nên chủ nhà thường bị thiệt hại, nhất là khi giá cả biến động tăng. Cũng tương tự với các sản phẩm gạch sản xuất từ Tân Uyên (Bình Dương), hầu hết đều có chữ Tân Uyên trên viên gạch.


Tốt nhất, chủ nhà và nhà thầu nên thống nhất tên đầy đủ, kèm theo mẫu gạch (gạch tuynel ABC do nhà máy của Công ty DEF sản xuất). Thật khó có thể giải quyết triệt để vấn đề vì các nhà máy gạch thường có gạch loại 2 với giá rẻ hơn so với loại 1 từ 20 – 50 đồng/viên. Có những sản phẩm rất dễ phân biệt sản phẩm loại 1 và loại 2 nhưng cũng có những sản phẩm chỉ có thể phân biệt được nếu bạn thật sự để ý và có kinh nghiệm.


3. Rủi ro khi mua xi măng là rất thấp


Rủi ro mà người mua lo ngại nhất là xi măng bị “ăn bớt”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, giai đoạn hiện nay hầu như không xảy ra trường hợp “rút ruột” bao xi măng, nhất là trường hợp khách mua với số lượng 100 bao trở lên (lấy trực tiếp từ nhà máy về). Nếu cẩn thận, khách hàng có thể cân kiểm tra lại ngẫu nhiên một hay một số bao. Khách hàng lưu ý khi nhận hàng cần kiểm tra khi nhóm bốc xếp chất hàng để tránh tình trạng “lát” hàng.


***


Một trường hợp nữa có thể xảy ta là khi giao nhận hàng (gạch, xi măng) khách hàng nên đề phòng bị mất cắp món hàng khác như đinh, kẽm, xi măng… vì sau khi giao hàng, người nhận hàng lo ký nhận, bốc xếp theo xe sẽ “bốc hàng” lên xe.

Kinh nghiệm mua vật liệu xây dựng

Như đã hứa, Công ty Hoàng Lam xin được chia sẻ với quí khách hàng kinh nghiệm mua vật liệu xây dựng. Bài viết chưa tốt lắm nhưng chúng tôi tin nó sẽ có ích cho quí khách hàng.


Chia sẻ kinh nghiệm mua vật liệu xây dựng

Đã trải qua nhiều năm trong kinh doanh vật liệu xây dựng, xin được chia sẻ cùng các khách hàng với mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé giúp quí khách hàng mua được hàng với giá hợp lý. Điều này có thể ảnh hưởng đến một số nhà thầu và các đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng khác nhưng tôi nghĩ rằng cần thiết phải chia sẻ.

Nếu như các nhà thầu mua hàng thường xuyên nên dễ dàng nhận biết được chủng loại hàng hóa thì những người dân dành dụm cả đời mới xây được một căn nhà thật chẳng dễ dàng gì có thể biết được tường tận để mua được đúng mặt hàng với giá cả hợp lý.

Trên thị trường VLXD phần thô (gạch, thép, xi măng), nếu nhìn qua thì có vẻ rất đơn giản, rất minh bạch. Nhưng sự thực vẫn có những vấn đề “lắt léo”.

1. Đa dạng mặt hàng thép, giá thép.

Có khá nhiều chủng loại thép đang lưu hành trên thị trường. Bên cạnh các mặt hàng có thương hiệu như Thép Vina Kyoei, Miền Nam, Pomina còn có một số mặt hàng khác như thép tổ hợp (thường có in chữ HVUC nổi trên cây thép), thép Trung Quốc và một số thép ngoại nhập khác. Tôi không dám khẳng định về chất lượng các chủng loại thép này nhưng chắc chắn giá cả rẻ hơn rất nhiều so với thép có “thương hiệu” trên.

Xin được kể ra câu chuyện liên quan đến chủng loại và giá thép.

• Tại sao giá rẻ?

Khi công trình của bạn đang được phá dỡ, sẽ có một số đơn vị đến tiếp thị, bạn sẽ bị bối rối vì giá cả chênh lệch khá nhiều. Bạn cứ thắc mắc không hiểu tại sao. Kinh nghiệm cho thấy, “người mua lầm chứ người bán thì không thể lầm”. Khi người bán cho giá thấp bất thường, tốt nhất bạn đừng chọn mua. Họ đánh trúng tâm lý muốn mua giá rẻ của khách hàng. Vậy thì họ “gỡ lại” bằng cách nào? Hoặc, họ bán thép không đúng chủng loại, họ mang thép giá rẻ như thép tổ hợp, thép Trung Quốc… đến giao cho bạn. Hoặc họ cân thiếu cho bạn. Để mua được đúng chủng loại với giá cả hợp lý, bạn phải biết cách kiểm tra, nhưng tốt nhất hãy chọn nhà cung cấp có uy tín.

Nếu không rành hàng hóa, không dễ cho bạn nhận biết được chủng loại. Đối với thép cuộn, thép có thương hiệu thì trơn, bóng và không bị xù, méo. Thép Trung Quốc thường bị rỉ sét nhiều, bong tróc và kích thước không đồng đều. Năm 2008, lượng thép Trung Quốc nhập vào nhiều đã khiến người sử dụng tưởng rằng “thép này mới là thép xịn”. Dẫn chứng được đưa ra là thép cuộn 6 “xịn” sợi to hơn. Quả là thép 6 “xịn” (thép Trung Quốc) thông thường có kích thước là 6,5mm còn thép Miền Nam chỉ là 6mm. Khách hàng mua thép cuộn 6 Trung Quốc giá rẻ hơn nhưng thực tế phải chi nhiều hơn vì khối lượng cần thiết sẽ tăng thêm khoảng (0,5x100/6)~ 8%, chắc chắn giá thép mà khách hàng mua được không rẻ hơn đến 8%.

• Có thể kiểm tra khối lượng bằng cách nào?

Đối với các công trình lớn, thường các nhà thầu hoặc chủ đầu tư có kinh nghiệm hơn, đồng thời khối lượng thép lớn thường lấy trực tiếp từ nhà máy về nên việc kiểm tra đơn giản hơn nhiều. Có thể bạn yêu cầu lấy nguyên bành (hoặc cuộn) lớn và lấy theo phiếu cân nhà máy. Nếu bạn cẩn thận hơn, có thể bạn cho cân lại hàng từ các trạm cân lớn. Tuyệt đối không nên chia nhỏ ra để cân vì sai lệch lớn (gây thiệt hại cho bên bán hoặc bên mua), hoặc có thể bị bên bán cân sai.

Đối với các công trình dân dụng, có thể bạn mua cân đĩa cân được khối lượng 100kg, bạn chia nhỏ cuộn thép ra và cân lại. Hoặc bạn cân khoảng 10-20 vòng thép, sau đó đếm số vòng để kiểm tra, phương pháp này có sai số nhưng không quá lớn có thể giúp bạn kiểm tra được khá chính xác.

• Khi nhận thép cây bạn cũng cần kiểm tra xem bên bán có giao đúng chủng loại mà bạn yêu cầu hay không. Một số dấu hiệu để nhận biết: thép Vina Kyoei có hình bông hoa mai, thép Miền Nam có chữ V, thép Pomina có hình trái táo. (Vui lòng xem thêm trong phần hình ảnh sản phẩm để nhận biết được rõ hơn).

(còn nữa)

Thép, gạch tuynel, xi măng đồng loạt giảm giá

Tình hình tiêu thụ vật liệu xây dựng quá chậm, lượng tồn kho lớn đã khiến các doanh nghiệp sản xuất phải giảm giá. Riêng thép ở phía Nam phải giảm giá và dự báo sẽ còn giảm nữa vì thép nhập khẩu vào khá nhiều cộng với thép từ ngoài Bắc vào. Tuy vậy, điều này không hẳn có lợi cho người tiêu dùng vì nhiều trường hợp không mua được hàng như mong muốn.

Vừa qua thép Vina Kyoei, Miền Nam và Pomina công bố giảm giá với mức giảm không lớn lắm, chỉ là 120-150 đồng/kg (chưa bao gồm thuế GTGT), đồng thời tăng mức hỗ trợ cho nhà phân phối nên giá bán ra thị trường thực tế giảm nhiều hơn. Hiện ở thị trường phía Nam đã xuất hiện một số nhãn hiệu thép nhập khẩu từ Nga, Malaysia, Indonesia... và thép Hòa Phát từ ngoài Bắc thâm nhập vào.

***

Do lượng tồn kho khá lớn nên các nhà sản xuất gạch đã quyết định điều chỉnh giảm khá nhiều, từ 30-50 đồng/viên, thậm chí có đơn vị còn giảm nhiều hơn. Sau đợt sốt giá gây sốc năm 2007 (cộng với chủ trương loại bỏ hẳn các nhà máy sản xuất gạch thủ công vì lí do ô nhiễm môi trường vào cuối năm 2010), nhiều dây chuyền sản xuất gạch tuynel mới ra đời khiến nguồn cung dồi dào trong khi kinh tế khủng hoảng kéo theo mức tiêu thụ giảm quá nhiều. Cung vượt cầu quá lớn nên đã kéo giá gạch trên thị trường giảm mạnh. Một trong những nguyên nhân khiến giá gạch phải giảm nữa là do nhà sản xuất muốn thu hồi tiền vốn nhanh chóng để giảm bớt áp lực do vay vốn ngân hàng. Một số nhà máy đã phải cho dừng bớt một phần hoặc toàn bộ các dây chuyền sản xuất.

***

Thị trường xi măng cũng không khá hơn so với 2 mặt hàng cùng nhóm VLXD trên. Các nhà sản xuất tăng khuyến mãi bằng cách tặng cho khách hàng, khi mua mỗi 100 bao, khách hàng sẽ được tặng thêm 2, 3 hoặc 4, thậm chí có nhà sản xuất còn tặng tới 10 bao cho mỗi 100 bao! Song song đó, có nhà sản xuất điều chỉnh giảm giá nhưng mức giảm không lớn lắm (chỉ khoảng 1000 đồng/bao) và giữ nguyên mức khuyến mãi.

***

Thông thường, sau Tết các công trình xây dựng khởi công và giá vật liệu xây dựng bắt đầu tăng lại vào tháng 3. Dự báo, giá vật liệu xây dựng có thể giảm sâu hơn và sau đó sẽ tăng lại. Giá vàng và USD tăng có thể là tác nhân làm tăng giá thép nhập khẩu, từ đó có thể kéo giá thép tăng trở lại. Tuy vậy, với tình hình kinh tế không mấy sáng sủa hiện nay của Việt Nam và thế giới, rất khó có thể đưa ra dự báo chính xác.

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009

Để 3 luật thuế mới đi vào cuộc sống

Vừa qua báo Doanh nhân & Pháp luật (chuyên đề báo Pháp luật Việt Nam) số tân niên ra ngày 10/02/2009 có đăng bài viết của Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Hoàng Lam với tiêu đề "Để 3 luật thuế mới đi vào cuộc sống".




Vừa qua, ba luật thuế mới (luật thuế TNDN, luật thuế GTGT và luật thuế TNCN) bắt đầu có hiệu lực, đó là một bước tiến rất quan trọng trong nỗ lực hoàn thiện luật pháp của nhà nước ta. Các luật thuế sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng hơn, đồng thời cũng giúp nhà nước kiểm soát tốt hơn việc thực hiện các nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp kinh doanh có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Càng có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận cao thì tiền thuế thu được sẽ nhiều hơn. Do vậy, luật thuế trước tiên phải bảo vệ doanh nghiệp và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu các luật thuế mới, chúng tôi có một vài ý kiến đóng góp như sau:

Giảm phí và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng.

Luật thuế GTGT mới có một điểm quan trọng mà những doanh nghiệp làm ăn chân chính rất ủng hộ, đó là khuyến khích thanh toán qua ngân hàng. Điều này sẽ hạn chế rất hiệu quả tình trạng mua bán hóa đơn và những tiêu cực khác của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thanh toán qua ngân hàng hiện còn một vài hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là phí kiểm đếm và phí chuyển khoản được các ngân hàng qui định là quá cao. Mặt khác, tốc độ chuyển khoản chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán của các doanh nghiệp, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh. (Hiện nay, mỗi ngày các ngân hàng có 2 đợt bù trừ vào 9g sáng và 3g chiều, tuy nhiên, thực tế có những lần chuyển khoản phải mất 2-4 ngày mới nhận được tiền, nhất là khi chuyển khoản vào thứ Sáu). Rõ ràng đã đến lúc cần phải hiện đại hóa hệ thống ngân hàng để tăng tốc độ chuyển khoản, chậm nhất là trong ngày dù chuyển trong hay ngoài hệ thống, cùng địa phương hay khác địa phương. Đồng thời, cần có qui định yêu cầu tất cả các ngân hàng phải làm việc ngày thứ Bảy hoặc ít nhất là sáng thứ Bảy.

Khái niệm thanh toán qua ngân hàng hiện cũng được hiểu theo cách khác nhau, cụ thể là trường hợp bên mua nộp tiền mặt trực tiếp vào tài khoản bên bán có được coi là thanh toán qua ngân hàng không. Chúng tôi đã đặt câu hỏi nhưng nhận được câu trả lời không thống nhất.

Trách nhiệm của nhà nước với thuế GTGT “khó đòi”

Việc thu thuế GTGT hiện nay được giao cho bên bán, tức là nhà nước chỉ biết thu thuế GTGT dựa vào hóa đơn bán hàng của bên bán, bất kể doanh nghiệp đã thu được nợ hay chưa. Thiết nghĩ, nhà nước cần phải có qui định điều chỉnh trong trường hợp doanh nghiệp bên bán chưa thu được nợ, đồng thời nhà nước nên đồng hành với doanh nghiệp bên bán trong việc thu hồi nợ.

Thi hành án chưa nghiêm chỉnh

Việc thi hành án kinh tế liên quan đến nợ khó đòi hiện nay chưa được thực thi nghiêm chỉnh. Rất nhiều trường hợp án đã tuyên mà bên mua không chịu thanh toán, còn bên bán thì kiện mãi cũng nản. Điều đó làm giảm niềm tin của doanh nghiệp vào việc thực thi pháp luật. Rõ ràng, nếu không bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh thì không bảo vệ được các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Công bố công khai qui trình

Hiện nay nhờ vào tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, đã giúp cho việc phổ biến kiến thức pháp luật, thực hiện các thủ tục hành chính cũng như trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện, thậm chí cả đối với những thủ tục đơn giản. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng nhiều. Rõ ràng các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể có các bộ phận chuyên trách như các công ty lớn, còn nếu đi thuê dịch vụ thì chi phí quá cao. Thiết nghĩ các cơ quan nhà nước nên công khai một cách có hệ thống nhất các qui trình, thủ tục, văn bản để các doanh nghiệp tham khảo. Làm được như thế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật với chi phí thấp nhất, mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất. Nói rộng ra, việc này cũng là một cách chống lãng phí.

Cần cải tiến khâu đưa luật vào cuộc sống

Việc triển khai thực hiện các luật mới đôi khi còn lúng túng vì thông thường, sau khi luật ra đời phải có nghị định, thông tư hướng dẫn. Thời gian để cho ra đời các văn bản hướng dẫn còn quá chậm gây nên hiện tượng “chờ”, ảnh hưởng đến việc thực thi luật mới. Khi quyết định ngày hiệu lực và cách thức triển khai cũng cần tính đến khả năng thực thi. Việc đăng ký mã số thuế TNCN vừa qua là một ví dụ.

Phan Hữu Hiếu
Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Hoàng Lam

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2009

Bài của Hoàng Lam được tham khảo để đăng báo

Sau bài viết Xu hướng giá vật liệu xây dựng ngày 01/12/2008 trên blog Hoàng Lam, phóng viên báo Pháp luật TPHCM đã xin sử dụng làm tư liệu cho bài viết của mình. Xin được đăng lại toàn văn bài viết.

07-12-2008 22:58:05 GMT +7
TRUNG HIẾU
Dù có trồi sụt đôi chút nhưng thị trường vật liệu xây dựng sẽ không có đột biến mạnh.
Khi giá bắt đầu nhích lên, nhiều doanh nghiệp lo sợ giá sẽ tăng mạnh trở lại nên đã mua dự trữ với lượng hàng khá nhiều.

Giá thép sau một thời gian xuống thấp, chỉ bằng một nửa so với giá cao điểm hồi tháng 7-2008 thì nay đang có dấu hiệu phục hồi khi trong vòng ba tuần liên tiếp tăng giá gần một triệu đồng/tấn. Liệu giá thép sẽ tăng cao hay chỉ là những biến động trong ngắn hạn?

Giá phôi thép thế giới tăng

Đầu tuần này, nhiều công ty thép như Thép Miền Nam, Pomina đã chính thức điều chỉnh giá bán tăng 300.000-400.000 đồng/tấn so với giá cũ. Thép cuộn Miền Nam từ 11,3 triệu đồng tăng lên 11,6 triệu đồng/tấn; thép cuộn Pomina từ 11,4 triệu đồng tăng lên 11,8 triệu đồng/tấn.

Đây là lần thứ ba giá thép tăng liên tiếp. Trước đó, vào cuối tháng 11-2008, thị trường thép đã có hai lần điều chỉnh với mức tăng 600.000-800.000 đồng/tấn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Dưỡng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nguyên Phong - đơn vị phân phối cho nhiều hãng thép, giá thép trong nước tăng do thời gian gần đây, giá phôi thép thế giới tăng trở lại, tuy mức tăng không cao lắm. Theo đó, từ đầu tháng 11-2008 đến nay, giá phôi thép thế giới từ 315 USD tăng lên 450 USD/tấn.

Bên cạnh đó, vừa qua Chính phủ quy định mức thuế suất nhập khẩu phôi thép và thép thành phẩm khá cao để bảo hộ ngành thép trong nước dẫn đến lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Ukraina, Thái Lan, Ấn Độ... đã giảm mạnh. Đây cũng chính là nguyên nhân để thị trường thép trong nước tăng giá.

Theo ông Dưỡng, hiện lượng hàng tồn của các “đại gia” tích trữ đã có phần cạn kiệt nên người có nhu cầu phải lấy hàng ở các nhà máy. Do đó, sự cạnh tranh giữa hàng tồn kho và hàng mới sản xuất đã giảm bớt rất nhiều so với trước.

Giá sẽ khó biến động mạnh

Có nhiều ý kiến cho rằng thép đang được làm giá chứ thực sự chưa thể tăng trở lại được. Nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho nhận định này là nhu cầu sử dụng thép chưa thật sự cao. Thông thường, thời gian trước và sau Tết nguyên đán, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng giảm rất nhiều. Hiện nay, các công trình trọng điểm tiêu thụ thép lớn không nhiều lắm. Ngoài ra, kinh tế thế giới đang khủng hoảng tác động đến kinh tế trong nước nên khó có khả năng nhu cầu xây dựng tăng cao. Tuy vậy, ông Đinh Huy Tam - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết thép tăng giá cũng là chuyện bình thường bởi trong một thời gian dài, các doanh nghiệp đều phải bán với giá rất thấp so với giá thành sản xuất. Có một thời gian dài, giá thép trong nước thấp hơn giá phôi thép thế giới vài triệu đồng một tấn, thậm chí giá thép bán ra còn thấp hơn giá thép phế liệu nhập về. Chính vì vậy, khi nhu cầu tăng lên đôi chút, các đơn vị kinh doanh thép phải tìm mọi cách nhích giá lên để nhằm bù lỗ, tránh thiệt hại.

Trong tháng 11-2008, lượng thép xây dựng tiêu thụ tăng khá nhiều so với các tháng trước, đạt khoảng 310-320 ngàn tấn. Tuy nhiên, đây cũng chưa hẳn là nguyên nhân dẫn đến thép tăng giá.

Theo ông Tam, lý do để thép tăng giá bắt nguồn từ các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối. Theo đó, trong một thời gian giá thép giảm đã chạm đáy, giờ đang có dấu hiệu “ngóc đầu dậy” nên nhiều doanh nghiệp lo sợ giá sẽ tăng trở lại đã mua dự trữ với lượng hàng tương đối nhiều.

Ông Tam nhận định giá thép trong nước sẽ không có đột biến mạnh dù nhu cầu và còn rất lâu thép mới có thể khôi phục lại giá bán giống như cách đây vài tháng. Hy vọng trong thời gian tới đây, những biện pháp kích cầu của nhà nước đưa ra sẽ phát huy hiệu quả để từ đó kích cầu thị trường thép.

Từ những biến động khó lường của thị trường thép trong nước và trên thế giới, rất khó có thể dự đoán chính xác giá thép sẽ biến động thế nào trong thời gian tới. Nếu như trước đây, khi giá thép có xu hướng tăng, các nhà phân phối thép và các nhà thầu tích cực “ôm” thì nay có vẻ rất thận trọng.

Gạch và xi măng vẫn ế ẩm

Thị trường vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục ế ẩm. Giá xi măng tuy có trồi sụt đôi chút nhưng đây chỉ là “liệu pháp tâm lý” của nhà sản xuất và nhà phân phối chứ thực ra nhu cầu sử dụng xi măng trong thời gian qua không lớn. Dự báo trong thời gian tới, giá xi măng vẫn tiếp tục giữ nguyên. Có chăng chỉ là những biện pháp khuyến mãi, hậu mãi từ phía nhà sản xuất, nhà phân phối nhằm kích cầu.

Còn giá gạch đã giảm xuống rất thấp nên khó có thể giảm thêm được nữa do lượng gạch tồn kho hiện đang rất lớn. Do đó, khả năng tăng giá chắc chắn chưa thể xảy ra, nếu có biến động thì cũng phải đợi đến hết quý I-2009.

------------------------------------------------------------------------------------------------

Với mong muốn mang lại lợi ích cho khách hàng và xã hội, Công ty Hoàng Lam sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm khi mua vật liệu xây dựng với khách hàng. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành và chuyển đến quý khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Gạch tuynel Nhị Hiệp: chủng loại sản phẩm mới của Hoàng Lam

Như tinh thần đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, Công ty Hoàng Lam cung cấp thêm một sản phẩm khá nổi tiếng là gạch ngói tuynel Nhị Hiệp.

Đồng thời, Hoàng Lam mở rộng thêm sản phẩm gạch bloc Hà Tiên với rất nhiều kích cỡ khác nhau.

Quý khách hàng có nhu cầu vui lòng liên hệ với chúng tôi:

Công ty cổ phần thương mại Hoàng Lam
154/18/29 TCH10, phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 08.38 916 917 - Fax: 08.54 470 752 - Email: hoanglamcorp@vnn.vn
DĐ: 0987 959595 - 0918 474734 (anh Hiếu) - 090 841 9002 (chị Hà)

-----------------------------------------------------------------------------------

Từ khóa: gạch tuynel, Đồng Nai, Quốc Toàn, Bảo Lộc, Tám Quỳnh, Miền Đông, Long Thành, Hà Tiên, Holcim, Sao Mai, La Villa, FICO, Nghi Sơn, Cẩm Phả, thép, thép xây dựng, Vina Kyoei, Pomina, Miền Nam, gạch, ngói, DIC, CPAC Monier, giá, báo giá, báo giá thép xây dựng.

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2009

Thuế GTGT thép giảm còn 5%

Ngày 21/01/2009, thủ tướng chính phủ đã ra quyết định số 16/2009/QĐ-TTg ban hành một số giải pháp về thuế nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp. Theo quyết định này, một số mặt hàng được điều chỉnh giảm 50% thuế GTGT trong thời gian từ ngày 01/02/2009 đến ngày 31/12/2009, trong đó có thép, ô tô...

Như vậy, từ ngày 01/02/2009 đến ngày 31/12/2009, thuế suất GTGT đối với thép giảm còn 5% giống như trước ngày 01/01/2009.

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2009

Chúc mừng năm mới Kỷ Sửu


Nhân dịp đón Xuân Kỷ Sửu, Công ty Cổ Phần Thương Mại Hoàng Lam kính chúc Quý Khách Hàng

AN KHANG THỊNH VƯỢNG

VẠN SỰ NHƯ Ý

may mắn, hạnh phúc và thành công sẽ đến thật nhiều.

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2009

Gạch tuynel Quốc Toàn giá đặc biệt

Công ty CP thương mại Hoàng Lam áp dụng giá đặc biệt đối với sản phẩm gạch tuynel Quốc Toàn cho Quí khách hàng đặt hàng trong tháng 01 và 02/2009.


Gạch tuynel Quốc Toàn là sản phẩm chất lượng cao và ổn định được nung bằng lò tuynel chạy bằng nhiên liệu dầu. Bề mặt viên gạch láng mịn, màu sắc đẹp, chất lượng cao. Theo đánh giá của chúng tôi, sản phẩm gạch tuynel Quốc Toàn thuộc nhóm gạch tuynel chất lượng cao nhất ở thị trường phía Nam.

Quí khách hàng có nhu cầu vui lòng liên hệ với chúng tôi:

Công ty cổ phần thương mại Hoàng Lam
154/18/29 TCH10, phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 08.38 916 917 - Fax: 08.54 470 752 - Email: hoanglamcorp@vnn.vn
DĐ: 0987 959595 - 0918 474734 (anh Hiếu) - 090 841 9002 (chị Hà)

-------------------------------------------------------------------------------------

Từ khóa: gạch tuynel, Đồng Nai, Quốc Toàn, Bảo Lộc, Tám Quỳnh, Miền Đông, Long Thành, Hà Tiên, Holcim, Sao Mai, La Villa, FICO, Nghi Sơn, Cẩm Phả, thép, thép xây dựng, Vina Kyoei, Pomina, Miền Nam, gạch, ngói, DIC, CPAC Monier, giá, báo giá, báo giá thép xây dựng.

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2009

Được hỗ trợ tiêu thụ, thép vẫn tăng giá

10:41' 15/01/2009 (GMT+7)

- Giá thép vừa qua đã "cộng dồn" hai lần, lên gần 1,1 triệu đồng/tấn nhưng thay vì giảm giá, Hiệp hội Thép lại kiến nghị Nhà nước tăng thuế nhập khẩu để bảo hộ trước sự cạnh tranh của thép ngoại giá rẻ.

Giá thép trong nước đang cao hơn giá thép ngoại khoảng 2-2,5 triệu đồng/tấn. Ảnh: VNN

Trước tình hình tiêu thụ hàng hóa trong nước phục hồi chậm, Chính phủ đã quyết định sẽ hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm công nghiệp đang tồn đọng trong đó có phôi thép.

Tuy nhiên, với ngành thép, sự hỗ trợ đó dường như chưa đủ. Mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lại vừa kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu thép ống từ 5% lên 10% và tôn mạ crome, mạ thép từ 7% lên 12% nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.

Theo VSA, kiến nghị này nhằm bảo hộ sản xuất trong nước trước thép Trung Quốc, nhất là với các mặt hàng như thép cuộn, tôn mạ crome, mạ thép… Sở dĩ thép Trung Quốc trở nên cạnh tranh về giá vì cách đây một tháng, nước này đã bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng thép ống, tôn mạ từ 15% xuống còn 0%.

Không chỉ hạ giá, thép Trung Quốc còn vào Việt Nam với nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn như thưởng 1% nếu giá trị lô hàng trên 250.000 NDT. Kết quả, giá thép Trung Quốc chào bán vào Việt Nam chỉ còn khoảng 10,9 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, giá thép nội bán lẻ trên thị trường đã dao động từ 13,3-13,5 triệu đồng/tấn.

Mức giá cao vượt trội này có nguyên nhân “cộng dồn” giá ngay trong mấy ngày đầu năm 2009. Lần cộng thứ nhất là tăng thuế VAT từ 5% lên 10%. Tính ra, nguời tiêu dùng phải trả thêm 587.000 đồng/tấn thép.

TIN LIÊN QUAN

Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp thép trong nước đã tăng thêm 500.000 đồng/tấn.

Như vậy, tổng cộng người tiêu dùng phải trả thêm cho thép nội gần 1,1 triệu đồng/tấn, vào khoảng 13,5 triệu đồng/tấn, cao hơn 2- 2,5 triệu đồng so với thép Trung Quốc.

Rõ ràng, ngành thép nội địa đã không quan tâm đến lợi ích người tiêu dùng cũng như thực tế đang diễn ra là sức mua đang giảm dần.

Chưa kể, mặt hàng này đã được đưa vào danh sách sẽ được Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ trong thời gian tới với các chương trình kích cầu đầu tư vào các dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội.

  • Phan Hùng
Nguồn: Vietnamnet

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2009

Ngày 10/01/2009: Thép giảm giá khoảng 500 đồng/kg

Tổng Công ty thép Việt Nam vừa công bố mức giá thép Miền Nam áp dụng từ ngày 10/01/2009, theo đó mức giá được điều chỉnh giảm so với mức giá công bố ngày 31/12/2009 là 500 đồng/kg (chưa bao gồm thuế GTGT).

Thép Pomina cũng công bố giảm so với mức giá công bố ngày 02/01/2009 là 460 đồng/kg (chưa bao gồm thuế GTGT).

Thép Vina Kyoei cũng công bố giảm giá so với đợt tăng cách đó 5 ngày, mức giảm giá của thép cuộn và thép cây tương ứng là 500 đồng/kg và 550 đồng/kg (chưa bao gồm thuế GTGT).

Mức giá mới công bố như sau:



Thép Miền Nam Thép Pomina Thép Vina Kyoei
Thép cuộn 6 11,100
11,140
11,240








Thép cuộn 8 11,000
11,140
11,100








Thép cây vằn D10 11,310
11,340
11,360








Thép cây vằn D12-32 11,160
11,200
11,210


Giá chưa bao gồm thuế GTGT (10%)

*** Thép cây vằn Miền Nam, Vina Kyoei: SD295
*** Thép cây vằn Pomina: SD390

Các dự án thép đang bị đầu cơ

“Tôi nhận thấy đa số những DN nước ngoài, đầu tư vào những “siêu dự án” chẳng phải là những tên tuổi lớn trong làng luyện kim thế giới. Nhiều trường hợp, họ tranh thủ đầu cơ dự án là chính rồi tìm cách bán lại cho nhà đầu tư khác” – ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói như vậy trong cuộc trò chuyện với VietNamNet.

Ông Phạm Chí Cường: "Ngành thép hiện nay như là đúc nồi xong mà không có gạo đến nấu"- Ảnh: Phan Hùng

Đúc nồi nhưng không có gạo để nấu

- Là Chủ tịch Hiệp hội Thép, ông đánh giá thế nào về sự bùng nổ 32 dự án thép ngoài quy hoạch? Phải chăng hiện tượng này xuất phát từ thực tế đòi hỏi?

- Theo tôi đến năm 2020 chỉ cần 2 khu liên hợp thép, mỗi khu có công suất 5-7 triệu tấn là vừa so với nhu cầu của thép của Việt Nam. Mức này cũng khớp với tăng trưởng kinh tế - “lực kéo” tăng trưởng thép.

Nhưng năm 2007 “tự dưng” nhu cầu thép tăng vọt lên 42%. Cuối năm 2008 mới “vỡ” ra rằng, đây chỉ là tăng trưởng “ảo” do giới đầu cơ nhập thép về lưu kho, chứ thép có đến được công trình đâu. Bằng chứng là khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp đã tái xuất gần 2 triệu tấn. Như vậy đó chỉ là nhu cầu ảo, bùng nổ ảo vì thực lực ngành thép không thể bùng nổ như vậy được.

- Vậy thực lực ngành thép Việt Nam dưới con mắt chuyên gia luyện kim lâu năm đồng thời là nhà quản lý hiện lên như thế nào?

- Ở góc độ chuyên môn tôi thấy có 3 vấn đề nổi cộm: nguyên liệu, công nghệ và quy mô đầu tư. Để có một nhà máy, trữ lượng quặng cần phải đủ cung cấp ít nhất cho 20-30 năm. Vì đặc thù nhà máy thép là thiết bị đã chạy thì phải chạy liên tục 20-30 năm, nếu nghỉ cũng chỉ trong thời gian rất ngắn vì nghỉ lâu khi khôi phục lại rất khó khăn, thậm chí hỏng hóc. Thế nhưng tình hình bây giờ là hễ địa phương nào có mỏ, dù rất nhỏ, mới thăm dò sơ bộ, trữ lượng hoàn toàn chưa đủ độ tin cậy là đã kêu gọi đầu tư. Nhiều trường hợp xây nhà máy xong được một vài năm đã không có quặng mà làm.

Có địa phương nói là thiếu sẽ mua quặng trôi nổi trên thị trường vì mỗi năm Việt Nam xuất sang Trung Quốc mấy triệu tấn quặng. Nhưng sao có thể ăn đong như thế mãi? Mà quặng cũng phải tùy loại, chất lượng… Rồi thì than cốc để luyện thép ta cũng không có mà đi mua lại không hề đơn giản và chắc chắn nguồn cung. Do đó, đã làm phải đảm bảo có nguyên liệu. Nếu không như việc đúc xong một cái nồi mà không có gạo để nấu vậy.

Thứ hai là thiết bị công nghệ. Đầu tư trong nước chủ yếu quy mô nhỏ, ví dụ lò cao chỉ hơn 200m3 trong khi các nước mấy nghìn khối. Mà lò lớn mới đầu tư được thiết bị bảo vệ môi trường cho tương xứng quy mô còn lò nhỏ vậy chỉ có thể mua của Trung Quốc – loại chính họ đã cấm lâu rồi. Thiết bị vừa lạc hậu vừa không đảm bảo về môi trường, quy mô lại nhỏ thì tính cạnh tranh gần như không có.

Cuối cùng là quy mô đầu tư manh mún. Tôi biết có những doanh nghiệp nhỏ thôi, vốn ít nhưng lại đầu tư làm thép đến 3-4 nơi. Quy mô nhỏ, tiềm lực mỏng yếu lại còn phân tán, manh mún và thiếu bền vững như vậy thì hiệu quả sẽ thấp và chắc chắn sẽ chết khi những liên hợp thép lớn vào Việt Nam.

- Những bất cập như ông vừa phân tích chắc hẳn các địa phương không phải không biết nhưng kết quả rà soát vẫn cho thấy có tới 32 dự án vỡ quy hoạch. Tại sao khó khăn thế mà họ vẫn lao vào, thưa ông?

- Do Chính phủ đã phân quyền cho địa phương nên các địa phương hoàn toàn tự quyết và kêu gọi, hứa hẹn ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp. Sự nhiệt tình của địa phương vì họ thiếu hiểu biết chuyên môn sâu về lĩnh vực này nhưng lại có ham muốn xây dựng nhà máy thép ở tỉnh mình. Như Bắc Kạn, cho rằng mình có mỏ, đã xây nhà máy xong mà không chạy được, đắp chiếu 5 năm nay.

TIN LIÊN QUAN
Doanh nghiệp cũng vậy. Nhiều doanh nghiệp đi đầu tư nhưng không lường hết được lĩnh vực mình định đầu tư. Có ông đi đầu tư làm thép ở Phú Thọ thì tôi chịu, không hiểu ông ấy sẽ mua quặng ở đâu để làm. Những đầu tư dạng này thiếu bền vững sẽ rất khó khăn khi hội nhập sâu vì tính kinh tế và hiệu quả rất thấp.

- Có phải sự thiếu hiểu biết đó đã làm “vỡ” quy hoạch ngành thép như Bộ Công Thương nhận định?

- Đúng là không đâu như đất nước này, nhà máy thép trải khắp từ Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ đến Hà Tĩnh… Đầu tư vụn vặt, có khác gì Trung Quốc thời kỳ toàn dân làm gang thép. Trong khi gang thép là công nghiệp có ô nhiễm, phải dồn lại để xử lý nước, khí… xa khu dân cư ra.

Tính hợp lý của việc phân bố là chưa có. Quy hoạch đã bị phá vỡ hết. Tôi biết không cứ quy hoạch là phải theo nhưng cũng nên theo khung định hướng vì thép không tăng trưởng một mình mà kéo theo cầu cảng, điện nước, đất đai… Làm sao đáp ứng được với tốc độ bùng nổ thế.

Rồi cung vượt cầu. Mấy năm qua mới có vài phần trong mấy chục dự án đi vào hoạt động mà công suất cán thép xây dựng, thép ống, tráng tôn mạ kẽm... đều đã gấp đôi nhu cầu. Cạnh tranh khiến các nhà máy chỉ vận hành được có 50-60% công suất. Vậy làm sao mà có hiệu quả kinh tế? Nhất là nếu tất cả các dự án thành hiện thực.

- Nhưng các dự án không chỉ tính toán cho thị trường nội địa mà còn tính đến xuất khẩu, thưa ông?

- Lúc cấp phép tôi phản đối, họ lấy lý do là họ hứa xuất khẩu đến 60-80% công suất. Nhưng họ có xuất được đâu. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đã chia thị phần cả rồi, chen chân vào đâu có dễ. Cuối cùng lại cũng chỉ chen chân trong nước – một thị trường tuy có nhu cầu nhưng còn nhỏ, mỗi năm chỉ tăng 10-15%, không thể tăng đột biến. Vậy hà cớ gì mà cấp ngoài quy hoạch đến mấy chục công trình.

Không quy hoạch riêng vùng sản xuất thép, khu dân cư ô nhiễm nặng nề - Ảnh Báo Ảnh Việt Nam.

FDI: chạy dự án để… bán

- Không chỉ trong nước, các siêu dự án thép của các tập đoàn nước ngoài cũng đổ vào Việt Nam khá dày trong 2 năm qua. Theo ông, họ tìm kiếm gì ở thị trường quy mô và nhu cầu còn bé nhỏ như Việt Nam?

- Qua theo dõi việc triển khai dự án, tôi thấy đa số các nhà đầu tư nước ngoài vào VN thời gian qua với mục đích “đầu cơ dự án” là chủ yếu.

Thể hiện trước hết ở chính bản thân họ. Xin cấp phép đầu tư những siêu dự án thép nhưng nhiều nhà đầu tư không hề tương xứng với độ “siêu” đó cả ở thương hiệu, chuyên môn sâu, vốn và tiềm lực.

Điển hình nhất là Nhà máy Liên hợp thép Tycoon – E.United ở Dung Quất (Quảng Ngãi). Nhà máy này được cấp phép đầu tư năm 2006, ban đầu là liên doanh giữa Tycoon (Đài Loan) và Jinnan (Trung Quốc), công suất 5 triệu tấn/năm và tổng đầu tư công bố hơn 1 tỷ USD.

Với suất đầu tư quá nhỏ cho 1 tấn công suất đã gây nghi ngờ về tính hiện thực của dự án. Sau một thời gian, Công ty Jinnan rút khỏi dự án và thay vào đó là E.United (Đài Loan) với 90% và đưa tổng mức đầu tư cho liên hợp lên trên 3 tỷ USD.

Như vậy Tycoon rõ ràng là một “anh” môi giới đầu tư vì ở Đài Loan, Tycoon cũng chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, hoàn toàn không đủ năng lực tài chính và công nghệ để làm khu liên hợp thép.

Tương tự như vậy, chủ dự án trước của dự án thép Dung Quất, Sunco thậm chí còn bé nhỏ và ít vốn hơn. Lúc đầu Sunco làm mọi thủ tục xin giấy phép, được rồi thì bán lại cho Formosa vốn chỉ chuyên làm plastic 95%.

Cuối cùng các doanh nghiệp FDI này cũng chỉ là chân gỗ đi môi giới đầu tư. Người xin cấp phép không làm, người được làm không phải chuyên về luyện kim. Vậy cuối cùng ai sẽ làm luyện kim cho VN?

- Theo ông tại sao các doanh nghiệp FDI có thể dễ dàng thực hiện được hành vi đầu cơ dự án như thế?

- Đó là bởi việc cấp phép không theo quy định nào cả. Quy hoạch không ra đâu vào đâu, quy hoạch rối. Cấp giấy phép đầu tư mà không lấy ý kiến các chuyên gia và nhà khoa học.

Kinh nghiệm cho thấy việc chấp nhận đối tác có phần dễ dãi, dẫn đến dự án kéo dài không thực hiện được, vì đối tác không có khả năng tài chính, công nghệ, cuối cùng sau một thời gian phải đổi đối tác…

Điều này khó có thể khẳng định sẽ không xảy ra đối với những dự án lớn trong tương lai.

Rồi Nhà máy Liên hợp thép Formosa – Sunco ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) cũng “vướng” khi ở khu vực này có duy nhất mỏ sắt Thạch Khê nhưng có tới 3 khu liên hợp “xếp hàng”: Formosa, Vinacoalmin, Tata… Vì vậy, theo tôi phải giám sát chặt chẽ việc thực thi và kiên quyết rút giấy phép những dự án không có năng lực triển khai.

- Xin cám ơn ông.

  • Phan Hùng (thực hiện)
    Bài 4: Đừng mắc bẫy công nghệ bẩn
Nguồn: Vietnamnet

Phá vỡ quy hoạch thép: Bài học cũ, “nạn nhân” mới

- Câu chuyện của ngành thép không làm ngạc nhiên nhiều người bởi có vẻ như nó chỉ “nối dài” danh sách trào lưu “làm công nghiệp” theo cảm tính và mong muốn chủ quan của các địa phương. Những mía đường, xi măng lò đứng, đánh bắt xa bờ… là bài học cũ nhưng sẽ vẫn rất thời sự nếu không có sự điều chỉnh kịp thời của Chính phủ với ngành thép.

Hậu quả từ công nghệ Trung Quốc quá đát

Các chuyên gia cảnh báo, hậu quả từ “bài học thép” sẽ đắt giá hơn rất nhiều vì có nguy cơ biến Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của thế giới và ô nhiễm môi trường nhiều thế hệ. Thực tế, công nghệ mà các dự án dưới 1.500 tỷ đồng thực hiện hầu hết đều nhập từ Trung Quốc.

Đáng nói là những thiết bị này đã bị chính Trung Quốc cấm lưu hành vì kém hiệu quả và đặc biệt gây ô nhiễm. Vậy mà các địa phương của Việt Nam lại đang đua nhau “hứng” những thiết bị có “công nghệ bẩn” về tỉnh mình. Bài học Vedan vẫn còn rất mới, liệu Việt Nam có muốn thêm vài Vedan nữa?
Quy trình cán thép - Nguồn ảnh: Vinashin.

Chưa kể, thép là ngành đòi hỏi rất lớn về năng lượng, hạ tầng (như đất đai, nước, giao thông…). Báo cáo kiểm tra của Bộ Công Thương cho biết, các tỉnh có số lượng dự án thép lớn và nhiều như Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng hạ tầng kỹ thuật từ điện, nước, giao thông đến quỹ đất… cho các dự án thép.

Đặc biệt, vấn đề năng lượng, có ý kiến cho rằng sở dĩ ngành thép được đầu tư ồ ạt vì các nhà đầu tư muốn tranh thủ giá điện vẫn phần nào được bao cấp của Việt Nam. Trong một phát biểu, bà Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - đã đặt câu hỏi liệu ngành điện có đáp ứng được hay lại bắt người dân và cả nền kinh tế gồng mình gánh vác?

Nhưng thực tế tình trạng căng thẳng về điện năm 2008 đã cho thấy việc sử dụng công nghệ luyện thép bằng lò điện hồ quang, lò điện trung tần sẽ gặp nhiều thách thức.

Dĩ nhiên, với những dự án “công nghệ quá đát củaTrung Quốc” thì chẳng thể kỳ vọng nhiều ở lợi ích “chuyển giao công nghệ tiên tiến”. Thực tế, các nhà đầu tư thép - kể cả chủ những dự án liên hợp lớn cũng không phải là những nhà luyện kim có uy tín và kinh nghiệm trên thế giới, thậm chí có tập đoàn không chứng minh được năng lực tài chính hùng mạnh.

Bởi vậy theo Bộ Công Thương, sau 2 năm “tăng trưởng nóng” dự án, ngành thép đã lộ rõ những nhược điểm như: thiếu tính bền vững, chậm khắc phục căn bản tình trạng mất cân đối giữa sản xuất thượng nguồn với hạ nguồn.

Cũng theo Bộ này, hiện tại, tổng công suất cán thép xây dựng vẫn vượt 2 lần công suất luyện, 80% sản lượng phối thép hiện nay được sản xuất từ thép phế liệu. Ngành thép vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu, thành phẩm nhập khẩu do vậy, sản xuất thường bị động và chịu nhiều thiệt hại khi giá cả thị trường biến động.

Công suất các loại sản phẩm thép (phôi thép, thép thành phẩm) của các dự án vượt xa nhu cầu dự kiến trong quy hoạch (năm 2015 dự báo nhu cầu khoảng 15 triệu tấn; 2020 vào khoảng 20 triệu tấn), việc cạnh tranh thị trường thép nội địa và xuất khẩu sẽ rất gay gắt. Việc dư thừa công suất sản phẩm kéo dài, dẫn đến việc sử dụng công suất cán thép đạt khoảng 60-70%, trình độ công nghệ ở mức trung bình, tiêu hao nguyên vật liệu cao, khả năng cạnh tranh thấp dẫn đến khối lượng xuất khẩu hạn chế.

Tạm dừng đầu tư dự án thép

Với những hậu quả nhãn tiền trên, tại báo cáo công tác kiểm tra, rà soát công tác quy hoạch ngành thép, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép tại địa phương, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của cả Luật Đầu tư lẫn Luật Xây dựng.

Chủ trương phân cấp quyền cấp giấy phép đầu tư của Chính phủ cho các địa phương là đúng đắn, có tác dụng tăng tính năng động của địa phương, rút ngắn thời gian cấp phép cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cấp phép tràn lan, phá vỡ tổng thể quy hoạch ngành của Chính phủ, kéo theo việc phá vỡ những tổng thể khác như cân đối nguồn cung cấp năng lượng, nguyên liệu và thị trường.

Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ phải rà soát và rút giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không triển khai theo tiến độ cam kết với những dự án đã cấp phép.

Còn với những dự án đang chờ duyệt, ngoại trừ những dự án sản xuất thép tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn (miền núi, miền Trung, Tây Nguyên) và các dự án sản xuất thép chất lượng cao như ống thép không hàn, thép hình lớn, thép hợp kim, Bộ Công Thương đều đề nghị Chính phủ tạm dừng việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Hiện phần lớn các dự án vẫn chưa đi vào thực hiện được bao nhiêu. Nếu việc tạm dừng cấp phép đầu tư được thông qua sẽ là một cú “phanh” cần thiết trước khi bài học cũ lại lặp lại.
  • Phan Hùng

Bài 3: Các dự án thép đang bị đầu cơ

Nguồn: Vietnamnet

Ngành thép đang vỡ kế hoạch

- Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, ngành thép đã chứng kiến sự bùng nổ của những “siêu dự án”. Ngoài 23 dự án được cấp phép, đã có tới 32 dự án ngoài quy hoạch liên tục “mọc lên” ở các địa phương. Với tốc độ “vỡ kế hoạch” như vậy, dường như ngành thép đang lặp lại bài học đắt giá của những “mía đường”, “xi măng lò đứng”…

“Ngoài” nhiều hơn “trong”

Hai năm liên tiếp 2007-2008, ngành thép thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn của cả trong và ngoài nước, trong đó có những dự án lên tới hàng tỷ USD như dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh, dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận... Không chỉ lớn về quy mô, ngành thép còn có sự bùng nổ về tốc độ khi có tới 32 dự án ngoài quy hoạch được cấp phép.

Kết quả kiểm tra quy hoạch ngành thép giai đoạn 2007-2015 của Bộ Công thương cách đây 2 tuần cũng cho thấy, dọc Việt Nam đâu đâu cũng mọc lên các dự án thép. Tập trung nhiều nhất ở miền Bắc, từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… Nhiều nhất là Bà Rịa – Vũng Tàu với 7 dự án, Hải Phòng : 5 dự án, Hải Dương: 4 dự án, Hà Tĩnh: 3 dự án...
Theo Bộ Công thương đã có 32 dự án ngoài quy hoạch
TIN LIÊN QUAN
Với 32 dự án ngoài quy hoạch, Tiến sĩ Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Chiến lược công nghiệp cho rằng công suất có thể lên đến… 60 triệu tấn. Trong khi quy hoạch ngành thép đã được Thủ tướng phê duyệt chỉ dự báo đến năm 2010 đạt khoảng 10-11 triệu tấn, năm 2025 khoảng 24-25 triệu tấn.

Như vậy, với công suất dư thừa, Việt Nam chắc chắn sẽ phải xuất khẩu thép. Tuy nhiên, chen chân vào thị trường xuất khẩu không hề dễ như các chủ đầu tư hứa hẹn, khi mà Việt Nam ở ngay sát các “nguồn cung” thép khổng lồ là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Dễ hiểu vì sao, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam có lý do để lo ngại “chỉ vài năm tới, ngành thép sẽ phải đối mặt với một cuộc đại khủng hoảng thừa”.

Nhưng tại sao lại có sự bùng nổ ngoài quy hoạch này?

Bộ Công thương lý giải do dự báo nhu cầu tiêu thụ thép cũng như giá thép trong nước tăng nhanh đã trở thành “lực hút” các dự án đầu tư đổ vào ngành thép. Nhưng nguyên nhân chính được Bộ thừa nhận dẫn đến việc vỡ quy hoạch lại nằm ở chính…cơ chế chính sách Nhà nước.

Đó là Luật Đầu tư mới, cho phép phân cấp về địa phương theo đó địa phương được quyền quyết định với các dự án luyện kim có vốn đầu tư dưới 1.500 tỷ (nhóm B). Kể từ khi luật này có hiệu lực, các địa phương có vẻ đã vận dụng rất “xuất sắc”. Kết quả, chỉ trong thời gian ngắn những dự án ngoài quy hoạch đã ồ ạt được cấp phép ở khắp mọi nơi.

Tính đến nay số dự án “vỡ kế hoạch” đã bỏ xa các dự án trong quy hoạch với 32 trên 23 dự án. Trong đó có 24 dự án bị coi là vượt rào vì hoàn toàn chưa được sự chấp thuận của Chính phủ và không hề xin ý kiến của Bộ quản lý ngành (Bộ Công thương) kể cả các dự án có vốn FDI.

Địa phương vượt rào, lỗi tại… trung ương

Gọi là vượt rào vì tuy Luật Đầu tư cho phép địa phương cấp phép những dự án dưới 1.500 tỷ nhưng Luật Xây dựng lại… không cho. Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn quy định, đối với các dự án nhóm B chưa có trong quy hoạch thì trước khi lập dự án phải có ý kiến thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch.

23 là số dự án trong quy hoạch. Trong đó: 17 dự án đã được triển khai với 4 dự án đi vào sản xuất; 6 dự án chưa hoặc ngừng triển khai.

32 là số dự án ngoài quy hoạch. Trong đó: 3 dự án liên hợp quy mô lớn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư; 5 dự án quy mô vừa được Bộ Công thương có ý kiến thỏa thuận; 24 dự án quy mô vừa và nhỏ không có ý kiến cho phép của Thủ tướng hay Bộ Công thương, kể cả FDI.

Như vậy, các dự án luyện kim dù thuộc nhóm B và không có trong quy hoạch vẫn phải xin ý kiến thỏa thuận. Căn cứ theo luật này, ngoài 7 dự án “vỡ kế hoạch” đã được Thủ tướng thông qua hoặc Bộ Công thương chấp nhận, 24 dự án còn lại đều bị coi là vượt rào.

Rõ ràng địa phương vượt rào nhưng lỗi lại thuộc về… trung ương khi để tồn tại sự “vênh nhau” giữa giữa các văn bản pháp luật. Dù các dự án đầu tư đều phải chịu sự quản lý của cả hai luật, nhưng khi một luật “cho”, một luật “không cho” thì các địa phương – dựa trên lợi ích và mong muốn của mình - đã chỉ căn cứ theo luật “cho”.

Nhờ có khe hở này mà mấy năm qua, các tỉnh đã “lách” qua để cấp phép tràn lan cho những dự án thép vào địa phương mình, gây nên một trào lưu “dự án thép”.
Phong trào làm thép còn “mốt” đến mức độ đã có hiện tượng cát cứ ở một số nơi như không cho vận chuyển sản phẩm quặng sắt ra khỏi tỉnh mình gây khó khăn cho các doanh nghiệp thu mua quặng sắt.
Bộ Công thương cũng khẳng định việc yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến sâu tại chỗ trong khi chưa xác định chắc chắn nguồn nguyên liệu quặng sắt có nguy cơ phá vỡ quy hoạch được duyệt và gây rủi ro cho nhà đầu tư.

Kết quả thấy được là ngành thép hiện đang vỡ kế hoạch và đối diện với nhiều hệ lụy từ “cơn sốt luyện kim”.

Bài 2: Bài học cũ, “nạn nhân” mới

Phan Hùng

Nguồn: Vietnamnet