Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009

Để 3 luật thuế mới đi vào cuộc sống

Vừa qua báo Doanh nhân & Pháp luật (chuyên đề báo Pháp luật Việt Nam) số tân niên ra ngày 10/02/2009 có đăng bài viết của Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Hoàng Lam với tiêu đề "Để 3 luật thuế mới đi vào cuộc sống".




Vừa qua, ba luật thuế mới (luật thuế TNDN, luật thuế GTGT và luật thuế TNCN) bắt đầu có hiệu lực, đó là một bước tiến rất quan trọng trong nỗ lực hoàn thiện luật pháp của nhà nước ta. Các luật thuế sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng hơn, đồng thời cũng giúp nhà nước kiểm soát tốt hơn việc thực hiện các nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp kinh doanh có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Càng có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận cao thì tiền thuế thu được sẽ nhiều hơn. Do vậy, luật thuế trước tiên phải bảo vệ doanh nghiệp và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu các luật thuế mới, chúng tôi có một vài ý kiến đóng góp như sau:

Giảm phí và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng.

Luật thuế GTGT mới có một điểm quan trọng mà những doanh nghiệp làm ăn chân chính rất ủng hộ, đó là khuyến khích thanh toán qua ngân hàng. Điều này sẽ hạn chế rất hiệu quả tình trạng mua bán hóa đơn và những tiêu cực khác của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thanh toán qua ngân hàng hiện còn một vài hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là phí kiểm đếm và phí chuyển khoản được các ngân hàng qui định là quá cao. Mặt khác, tốc độ chuyển khoản chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán của các doanh nghiệp, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh. (Hiện nay, mỗi ngày các ngân hàng có 2 đợt bù trừ vào 9g sáng và 3g chiều, tuy nhiên, thực tế có những lần chuyển khoản phải mất 2-4 ngày mới nhận được tiền, nhất là khi chuyển khoản vào thứ Sáu). Rõ ràng đã đến lúc cần phải hiện đại hóa hệ thống ngân hàng để tăng tốc độ chuyển khoản, chậm nhất là trong ngày dù chuyển trong hay ngoài hệ thống, cùng địa phương hay khác địa phương. Đồng thời, cần có qui định yêu cầu tất cả các ngân hàng phải làm việc ngày thứ Bảy hoặc ít nhất là sáng thứ Bảy.

Khái niệm thanh toán qua ngân hàng hiện cũng được hiểu theo cách khác nhau, cụ thể là trường hợp bên mua nộp tiền mặt trực tiếp vào tài khoản bên bán có được coi là thanh toán qua ngân hàng không. Chúng tôi đã đặt câu hỏi nhưng nhận được câu trả lời không thống nhất.

Trách nhiệm của nhà nước với thuế GTGT “khó đòi”

Việc thu thuế GTGT hiện nay được giao cho bên bán, tức là nhà nước chỉ biết thu thuế GTGT dựa vào hóa đơn bán hàng của bên bán, bất kể doanh nghiệp đã thu được nợ hay chưa. Thiết nghĩ, nhà nước cần phải có qui định điều chỉnh trong trường hợp doanh nghiệp bên bán chưa thu được nợ, đồng thời nhà nước nên đồng hành với doanh nghiệp bên bán trong việc thu hồi nợ.

Thi hành án chưa nghiêm chỉnh

Việc thi hành án kinh tế liên quan đến nợ khó đòi hiện nay chưa được thực thi nghiêm chỉnh. Rất nhiều trường hợp án đã tuyên mà bên mua không chịu thanh toán, còn bên bán thì kiện mãi cũng nản. Điều đó làm giảm niềm tin của doanh nghiệp vào việc thực thi pháp luật. Rõ ràng, nếu không bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh thì không bảo vệ được các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Công bố công khai qui trình

Hiện nay nhờ vào tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, đã giúp cho việc phổ biến kiến thức pháp luật, thực hiện các thủ tục hành chính cũng như trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện, thậm chí cả đối với những thủ tục đơn giản. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng nhiều. Rõ ràng các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể có các bộ phận chuyên trách như các công ty lớn, còn nếu đi thuê dịch vụ thì chi phí quá cao. Thiết nghĩ các cơ quan nhà nước nên công khai một cách có hệ thống nhất các qui trình, thủ tục, văn bản để các doanh nghiệp tham khảo. Làm được như thế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật với chi phí thấp nhất, mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất. Nói rộng ra, việc này cũng là một cách chống lãng phí.

Cần cải tiến khâu đưa luật vào cuộc sống

Việc triển khai thực hiện các luật mới đôi khi còn lúng túng vì thông thường, sau khi luật ra đời phải có nghị định, thông tư hướng dẫn. Thời gian để cho ra đời các văn bản hướng dẫn còn quá chậm gây nên hiện tượng “chờ”, ảnh hưởng đến việc thực thi luật mới. Khi quyết định ngày hiệu lực và cách thức triển khai cũng cần tính đến khả năng thực thi. Việc đăng ký mã số thuế TNCN vừa qua là một ví dụ.

Phan Hữu Hiếu
Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Hoàng Lam

Không có nhận xét nào: