Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2009

Kinh nghiệm mua vật liệu xây dựng

Như đã hứa, Công ty Hoàng Lam xin được chia sẻ với quí khách hàng kinh nghiệm mua vật liệu xây dựng. Bài viết chưa tốt lắm nhưng chúng tôi tin nó sẽ có ích cho quí khách hàng.


Chia sẻ kinh nghiệm mua vật liệu xây dựng

Đã trải qua nhiều năm trong kinh doanh vật liệu xây dựng, xin được chia sẻ cùng các khách hàng với mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé giúp quí khách hàng mua được hàng với giá hợp lý. Điều này có thể ảnh hưởng đến một số nhà thầu và các đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng khác nhưng tôi nghĩ rằng cần thiết phải chia sẻ.

Nếu như các nhà thầu mua hàng thường xuyên nên dễ dàng nhận biết được chủng loại hàng hóa thì những người dân dành dụm cả đời mới xây được một căn nhà thật chẳng dễ dàng gì có thể biết được tường tận để mua được đúng mặt hàng với giá cả hợp lý.

Trên thị trường VLXD phần thô (gạch, thép, xi măng), nếu nhìn qua thì có vẻ rất đơn giản, rất minh bạch. Nhưng sự thực vẫn có những vấn đề “lắt léo”.

1. Đa dạng mặt hàng thép, giá thép.

Có khá nhiều chủng loại thép đang lưu hành trên thị trường. Bên cạnh các mặt hàng có thương hiệu như Thép Vina Kyoei, Miền Nam, Pomina còn có một số mặt hàng khác như thép tổ hợp (thường có in chữ HVUC nổi trên cây thép), thép Trung Quốc và một số thép ngoại nhập khác. Tôi không dám khẳng định về chất lượng các chủng loại thép này nhưng chắc chắn giá cả rẻ hơn rất nhiều so với thép có “thương hiệu” trên.

Xin được kể ra câu chuyện liên quan đến chủng loại và giá thép.

• Tại sao giá rẻ?

Khi công trình của bạn đang được phá dỡ, sẽ có một số đơn vị đến tiếp thị, bạn sẽ bị bối rối vì giá cả chênh lệch khá nhiều. Bạn cứ thắc mắc không hiểu tại sao. Kinh nghiệm cho thấy, “người mua lầm chứ người bán thì không thể lầm”. Khi người bán cho giá thấp bất thường, tốt nhất bạn đừng chọn mua. Họ đánh trúng tâm lý muốn mua giá rẻ của khách hàng. Vậy thì họ “gỡ lại” bằng cách nào? Hoặc, họ bán thép không đúng chủng loại, họ mang thép giá rẻ như thép tổ hợp, thép Trung Quốc… đến giao cho bạn. Hoặc họ cân thiếu cho bạn. Để mua được đúng chủng loại với giá cả hợp lý, bạn phải biết cách kiểm tra, nhưng tốt nhất hãy chọn nhà cung cấp có uy tín.

Nếu không rành hàng hóa, không dễ cho bạn nhận biết được chủng loại. Đối với thép cuộn, thép có thương hiệu thì trơn, bóng và không bị xù, méo. Thép Trung Quốc thường bị rỉ sét nhiều, bong tróc và kích thước không đồng đều. Năm 2008, lượng thép Trung Quốc nhập vào nhiều đã khiến người sử dụng tưởng rằng “thép này mới là thép xịn”. Dẫn chứng được đưa ra là thép cuộn 6 “xịn” sợi to hơn. Quả là thép 6 “xịn” (thép Trung Quốc) thông thường có kích thước là 6,5mm còn thép Miền Nam chỉ là 6mm. Khách hàng mua thép cuộn 6 Trung Quốc giá rẻ hơn nhưng thực tế phải chi nhiều hơn vì khối lượng cần thiết sẽ tăng thêm khoảng (0,5x100/6)~ 8%, chắc chắn giá thép mà khách hàng mua được không rẻ hơn đến 8%.

• Có thể kiểm tra khối lượng bằng cách nào?

Đối với các công trình lớn, thường các nhà thầu hoặc chủ đầu tư có kinh nghiệm hơn, đồng thời khối lượng thép lớn thường lấy trực tiếp từ nhà máy về nên việc kiểm tra đơn giản hơn nhiều. Có thể bạn yêu cầu lấy nguyên bành (hoặc cuộn) lớn và lấy theo phiếu cân nhà máy. Nếu bạn cẩn thận hơn, có thể bạn cho cân lại hàng từ các trạm cân lớn. Tuyệt đối không nên chia nhỏ ra để cân vì sai lệch lớn (gây thiệt hại cho bên bán hoặc bên mua), hoặc có thể bị bên bán cân sai.

Đối với các công trình dân dụng, có thể bạn mua cân đĩa cân được khối lượng 100kg, bạn chia nhỏ cuộn thép ra và cân lại. Hoặc bạn cân khoảng 10-20 vòng thép, sau đó đếm số vòng để kiểm tra, phương pháp này có sai số nhưng không quá lớn có thể giúp bạn kiểm tra được khá chính xác.

• Khi nhận thép cây bạn cũng cần kiểm tra xem bên bán có giao đúng chủng loại mà bạn yêu cầu hay không. Một số dấu hiệu để nhận biết: thép Vina Kyoei có hình bông hoa mai, thép Miền Nam có chữ V, thép Pomina có hình trái táo. (Vui lòng xem thêm trong phần hình ảnh sản phẩm để nhận biết được rõ hơn).

(còn nữa)

Không có nhận xét nào: