Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

“Nhân viên công ty” bán sắt dạo

(ĐSCT) Dành dụm mấy mùa lúa, ông Nguyễn Năm (Đồng Tháp) dư được vài trăm triệu đồng để cất lại căn nhà cho khang trang. Vừa khởi công được vài ngày thì có hai thanh niên ăn mặc lịch sự đến giới thiệu là nhân viên công ty H.N chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng. Họ đưa ra cho ông Năm xem những tờ báo giá từ gạch, sơn, sắt thép... Đặc biệt anh thanh niên giới thiệu tên là Hải cho ông Năm biết hiện thời giá bán sắt, thép của công ty đang thấp hơn giá thị trường, khuyên ông nên mua nhanh kẻo ít bữa công ty lên giá.

Tuy quanh năm làm lúa nhưng ông Năm vẫn thường đọc báo, nghe đài nên cũng chẳng lạ gì chuyện giá vật liệu xây dựng lên xuống phập phù như con nước. Ông thấy giá sắt của công ty H.N chào hàng rẻ hơn thị trường cả trăm ngàn đồng cho mỗi tấn, nên nhanh chóng đặt mua 10 tấn, giá 150 triệu đồng. Đúng như giao ước, khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, các chuyến xe ba gác chở những tấn sắt đầu tiên đến cho ông Năm. Anh thanh niên Hải đi xe máy theo các xe chở sắt và yêu cầu ông Năm cho ứng trước 120 triệu đồng. Anh này cho biết từ giờ cho đến đầu buổi chiều, hàng sẽ giao đến đủ cho ông. Những chuyến xe ba gác chở sắt liên tiếp chuyển hàng vào khiến ông Năm không hề nghi ngờ, vội lấy 120 triệu gửi cho Hải.

Như lời hứa, khoảng hai giờ chiều, những chuyến xe cuối cùng đã tập kết đủ lượng sắt mà ông Năm mua. Nhưng cùng đi vào với xe chở hàng lại có một thanh niên tay ôm chiếc cặp. Ông Năm nghĩ chắc anh ta là người của công ty đến thu tiếp 30 triệu đồng còn thiếu. Ông niềm nở chào hỏi và anh nhân viên đưa ra tờ hóa đơn của công ty X.N ghi xuất bán 10 tấn sắt, giá tiền 160 triệu đồng. Ông Năm nói từ sáng đã thanh toán 120 triệu đồng cho phía công ty qua nhân viên tên Hải, nhưng vì nghĩ thanh toán đơn giản, nên không yêu cầu hóa đơn hay giấy tờ gì. Còn anh nhân viên lấy giấy tờ chứng minh cho ông Năm rằng mình mới đúng là nhân viên của công ty X.N, được giao nhiệm vụ giao hàng và nhận tiền của khách. Công ty có hóa đơn tài chính hẳn hoi. Anh nhân viên còn cho biết thêm, khoảng 9 giờ cùng ngày có hai thanh niên đi xe máy đến cửa hàng của công ty, nói là người nhà của ông Năm rồi cho địa chỉ yêu cầu chở 10 tấn sắt đến ngay trong ngày. Lúc này ông mới vỡ lẽ ra là đã trúng kế của bọn lừa đảo với thủ đoạn rất mới, tinh vi.

Chiêu trò này bọn lừa đảo cũng “giăng lưới” tại các tỉnh miền Đông. Ngày 8-5 vừa qua, ông Phạm Văn Nguyên (ngụ TP.Biên Hòa) bị lừa mất 110 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra, ông Nguyên cho biết khi ông đang trông coi cửa hàng vật liệu xây dựng của gia đình thì một người đàn ông tự xưng tên Dũng gọi điện đến cửa hàng. Qua điện thoại, Dũng cho biết mình làm giám sát công trình thi công cầu Hóa An (TP.Biên Hòa), muốn tuồn một số sắt thép ra thị trường kiếm lời. Theo hẹn, ngày 12-5, ông Nguyên xách bọc tiền đi cùng Dũng đến kho nhận hàng. Vừa đến thì có người đàn ông đi ra, được Dũng giới thiệu là sếp tại công trường. Anh này nhanh chóng cầm bịch tiền trong tay của ông Nguyên rồi vừa đi vừa nói sẽ cho nhân viên mở kho lấy hàng ra ngay. Nhưng trong nháy mắt, cả Dũng và vị sếp nhanh chân chuồn mất để ông Nguyên loay hoay giữa công trình chẳng biết đường nào ra. Mánh lừa này đã được bọn bất lương thực hiện tại các tỉnh miền Tây, miền Đông, bà con nên đề cao cảnh giác.
MINH 



NGHĨA
Nguồn: báo Công an TPHCM








































































Mua bán thép ngoài đường dễ bị lừa

TT - Anh N.V.Đ., một người buôn bán vật liệu xây dựng lâu năm tại tỉnh Sóc Trăng, mua 3,6 tấn thép cuộn phi 6 nhưng khi cân lại chỉ còn 1,5 tấn. Nếu tính theo đơn giá vào thời điểm bị lừa, anh Đ. bị mất gần 35 triệu đồng.
Nhiều cách cân gian
Theo một chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng tại TP.HCM, có rất nhiều cách để cân gian thép. Có thể là chiếc cân được “độ” lại từ trước hoặc chỉ cần dùng một vài thủ thuật nhỏ trong lúc cân để trọng lượng thép nặng hơn trọng lượng thực tế. Tuy nhiên, có một cách gian lận phổ biến là gắn chip điện tử vào cân rồi dùng điều khiển từ xa để điều chỉnh trọng lượng của hàng hóa.
Anh Đ. kể sau khi tham khảo giá cả qua mạng từ các cửa hàng sắt thép uy tín, anh đã liên lạc với một người đàn ông tự xưng tên Nguyễn Văn Hoàng, người của cửa hàng sắt thép Kim Chi (có trụ sở tại khu vực cầu vượt Sóng Thần, Bình Dương) để giao dịch mua hàng.
Vào thời điểm thỏa thuận giá cả, ông Hoàng đưa ra giá 16.500 đồng/kg thép trong khi giá thị trường là 17.000 đồng/kg nên anh Đ. đồng ý mua với số lượng lớn để bán lại cho các đại lý, chủ đầu tư xây dựng.
Ngày 1-5, anh Đ. thuê xe tải đến TP.HCM để nhận hàng như đã thỏa thuận. Ông Hoàng dẫn anh tới cửa hàng thép Kim Chi xem hàng trước nhưng chỉ đứng ngoài nhìn vào cửa hàng do hôm đó là ngày lễ nên công ty đóng cửa. Đến ngày 8-5, anh Đ. lại thuê xe tải đến để nhận hàng và ông Hoàng hẹn anh nhận hàng tại một địa điểm trên đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh (TP.HCM) vì muốn “tạo điều kiện thuận lợi” cho anh. Thấy khả nghi, anh Đ. liên lạc với người thân ra hỗ trợ, đồng thời lưu sẵn số điện thoại của công an địa phương để nhờ can thiệp phòng khi bất trắc. Trước lúc cân thép, anh Đ. đứng lên bàn cân để cân thử thì thấy đúng nên yên tâm cho cẩu thép lên bàn cân để cân.
Ngoài một số mặt hàng khác như thép cây các loại, anh Đ. có mua tám cuộn thép phi 6 nặng 3,6 tấn. Số thép cuộn nói trên không được bó gọn lại như thường thấy mà bung ra để người mua có cảm giác cuộn thép trông nhiều hơn. Do đã kiểm tra độ chính xác của chiếc cân nên anh Đ. không mảy may nghi ngờ, nhưng khi về tới Sóc Trăng, cân lại anh mới phát hiện số thép nói trên bị thiếu hơn một nửa. Anh Đ. gọi vào số điện thoại của ông Hoàng thì người này đã khóa máy.
Ông Trần Trung Thu, đại diện cửa hàng sắt thép Kim Chi, cho biết nhân viên cửa hàng không có ai tên Hoàng và khách hàng của ông trong thời gian qua cũng không có người nào từ Sóc Trăng lên mua. Theo ông Thu, có thể một số đối tượng “cò” lừa đảo đã lợi dụng thương hiệu cửa hàng của ông để lừa gạt khách hàng. Cũng theo ông Thu, chiêu lừa đảo theo hình thức trên đã có từ nhiều năm nay. Thỉnh thoảng một vài cửa hàng sắt thép uy tín, là bạn bè của ông, cũng than phiền về tình trạng này. “Cũng do người mua ham rẻ nên bọn “cò” sắt thép mới có đất sống. Theo tôi, nếu khách hàng có nhu cầu thì đến thẳng cửa hàng để giao dịch. Nếu lỡ có thiếu hụt gì cũng dễ bề khiếu nại, chứ mua bán ngoài đường thì không biết kêu ai” - ông Thu nói.
Không chỉ rao bán thép trên mạng, một số đối tượng còn cầm bảng báo giá của một số cửa hàng, công ty chuyên buôn bán vật liệu xây dựng tại TP.HCM về các tỉnh miền Tây để tiếp thị. Anh Út, quê Bến Tre, cho biết giữa tháng 4-2012 có một thanh niên tên Huy cầm bảng báo giá sắt thép của Công ty cổ phần sắt thép xây dựng TT (Q.Bình Tân, TP.HCM) và tự nhận là nhân viên kinh doanh của công ty đến tận các công trường xây dựng tại Bến Tre để giới thiệu sản phẩm, đồng thời hứa hẹn bán giá thấp hơn giá trong bảng báo giá. Khi anh Út muốn đến tận công ty để xem và mua hàng thì người này tìm cách từ chối và gợi ý sẽ chở hàng tới một địa điểm nào đó để giao dịch.
Ngày 28-5, chúng tôi gọi vào số điện thoại của Huy đặt vấn đề mua thép thì người này đồng ý ngay. Tuy nhiên, khi chúng tôi muốn tới tận công ty để mua thép thì Huy nói hiện công ty đã chuyển kho vào sâu trong nội thành TP.HCM nên xe tải không vào được và hẹn chúng tôi tại một bãi đất trống trên quốc lộ 1A để giao dịch. Trong khi đó, đại diện Công ty TT cho biết kho hàng của công ty hiện vẫn ở địa chỉ cũ và công ty không có nhân viên nào tên Huy.
MẬU TRƯỜNG

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012