Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2009

Phá vỡ quy hoạch thép: Bài học cũ, “nạn nhân” mới

- Câu chuyện của ngành thép không làm ngạc nhiên nhiều người bởi có vẻ như nó chỉ “nối dài” danh sách trào lưu “làm công nghiệp” theo cảm tính và mong muốn chủ quan của các địa phương. Những mía đường, xi măng lò đứng, đánh bắt xa bờ… là bài học cũ nhưng sẽ vẫn rất thời sự nếu không có sự điều chỉnh kịp thời của Chính phủ với ngành thép.

Hậu quả từ công nghệ Trung Quốc quá đát

Các chuyên gia cảnh báo, hậu quả từ “bài học thép” sẽ đắt giá hơn rất nhiều vì có nguy cơ biến Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của thế giới và ô nhiễm môi trường nhiều thế hệ. Thực tế, công nghệ mà các dự án dưới 1.500 tỷ đồng thực hiện hầu hết đều nhập từ Trung Quốc.

Đáng nói là những thiết bị này đã bị chính Trung Quốc cấm lưu hành vì kém hiệu quả và đặc biệt gây ô nhiễm. Vậy mà các địa phương của Việt Nam lại đang đua nhau “hứng” những thiết bị có “công nghệ bẩn” về tỉnh mình. Bài học Vedan vẫn còn rất mới, liệu Việt Nam có muốn thêm vài Vedan nữa?
Quy trình cán thép - Nguồn ảnh: Vinashin.

Chưa kể, thép là ngành đòi hỏi rất lớn về năng lượng, hạ tầng (như đất đai, nước, giao thông…). Báo cáo kiểm tra của Bộ Công Thương cho biết, các tỉnh có số lượng dự án thép lớn và nhiều như Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng hạ tầng kỹ thuật từ điện, nước, giao thông đến quỹ đất… cho các dự án thép.

Đặc biệt, vấn đề năng lượng, có ý kiến cho rằng sở dĩ ngành thép được đầu tư ồ ạt vì các nhà đầu tư muốn tranh thủ giá điện vẫn phần nào được bao cấp của Việt Nam. Trong một phát biểu, bà Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - đã đặt câu hỏi liệu ngành điện có đáp ứng được hay lại bắt người dân và cả nền kinh tế gồng mình gánh vác?

Nhưng thực tế tình trạng căng thẳng về điện năm 2008 đã cho thấy việc sử dụng công nghệ luyện thép bằng lò điện hồ quang, lò điện trung tần sẽ gặp nhiều thách thức.

Dĩ nhiên, với những dự án “công nghệ quá đát củaTrung Quốc” thì chẳng thể kỳ vọng nhiều ở lợi ích “chuyển giao công nghệ tiên tiến”. Thực tế, các nhà đầu tư thép - kể cả chủ những dự án liên hợp lớn cũng không phải là những nhà luyện kim có uy tín và kinh nghiệm trên thế giới, thậm chí có tập đoàn không chứng minh được năng lực tài chính hùng mạnh.

Bởi vậy theo Bộ Công Thương, sau 2 năm “tăng trưởng nóng” dự án, ngành thép đã lộ rõ những nhược điểm như: thiếu tính bền vững, chậm khắc phục căn bản tình trạng mất cân đối giữa sản xuất thượng nguồn với hạ nguồn.

Cũng theo Bộ này, hiện tại, tổng công suất cán thép xây dựng vẫn vượt 2 lần công suất luyện, 80% sản lượng phối thép hiện nay được sản xuất từ thép phế liệu. Ngành thép vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu, thành phẩm nhập khẩu do vậy, sản xuất thường bị động và chịu nhiều thiệt hại khi giá cả thị trường biến động.

Công suất các loại sản phẩm thép (phôi thép, thép thành phẩm) của các dự án vượt xa nhu cầu dự kiến trong quy hoạch (năm 2015 dự báo nhu cầu khoảng 15 triệu tấn; 2020 vào khoảng 20 triệu tấn), việc cạnh tranh thị trường thép nội địa và xuất khẩu sẽ rất gay gắt. Việc dư thừa công suất sản phẩm kéo dài, dẫn đến việc sử dụng công suất cán thép đạt khoảng 60-70%, trình độ công nghệ ở mức trung bình, tiêu hao nguyên vật liệu cao, khả năng cạnh tranh thấp dẫn đến khối lượng xuất khẩu hạn chế.

Tạm dừng đầu tư dự án thép

Với những hậu quả nhãn tiền trên, tại báo cáo công tác kiểm tra, rà soát công tác quy hoạch ngành thép, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép tại địa phương, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của cả Luật Đầu tư lẫn Luật Xây dựng.

Chủ trương phân cấp quyền cấp giấy phép đầu tư của Chính phủ cho các địa phương là đúng đắn, có tác dụng tăng tính năng động của địa phương, rút ngắn thời gian cấp phép cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cấp phép tràn lan, phá vỡ tổng thể quy hoạch ngành của Chính phủ, kéo theo việc phá vỡ những tổng thể khác như cân đối nguồn cung cấp năng lượng, nguyên liệu và thị trường.

Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ phải rà soát và rút giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không triển khai theo tiến độ cam kết với những dự án đã cấp phép.

Còn với những dự án đang chờ duyệt, ngoại trừ những dự án sản xuất thép tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn (miền núi, miền Trung, Tây Nguyên) và các dự án sản xuất thép chất lượng cao như ống thép không hàn, thép hình lớn, thép hợp kim, Bộ Công Thương đều đề nghị Chính phủ tạm dừng việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Hiện phần lớn các dự án vẫn chưa đi vào thực hiện được bao nhiêu. Nếu việc tạm dừng cấp phép đầu tư được thông qua sẽ là một cú “phanh” cần thiết trước khi bài học cũ lại lặp lại.
  • Phan Hùng

Bài 3: Các dự án thép đang bị đầu cơ

Nguồn: Vietnamnet

Không có nhận xét nào: